Diễn biến Khởi nghĩa tháng 8 năm 1944 tại Romania

Đảo chính lật đổ Ion Antonescu

Сhiến dịch Iaşi-Chişinău, sự kiện châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa tháng 8 ở Rumani.

Trong khi các lực lượng dân tộc dân chủ đang tích cực chuẩn bị cho cuộc đảo chính, một sự kiện mang tính bước ngoặt diễn ra ở chiến trường Tây Nam thuộc Mặt trận Xô-Đức. Ngày 20 tháng 8 năm 1944, Phương diện quân Ukraina 2Phương diện quân Ukraina 3 mở chiến dịch tấn công chiến lược Iaşi-Chişinău đánh vào Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina lúc này đang đóng ở biên giới Liên Xô-Rumani. Chỉ trong vòng vài ngày, Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraia đã bị đánh cho tan tác với hàng chục vạn quân bị tiêu diệt và bị bắt sống; trong đó có rất nhiều binh lính Rumani tự động gia nhập quân đội Liên Xô và quay súng bắn lại quân Đức Quốc xã. Với con đường tiến vào Balkan đã được khai thông, quân đội Liên Xô ồ ạt tiến vào lãnh thổ Rumani, nhanh chóng giải phóng nhiều thành phố, thị xã và hải cảng quan trọng ở miền Đông nước này. Rõ ràng, không có thời điểm nào thuận lợi hơn cho cuộc khởi nghĩa được tiến hành.

Thật ra, thắng lợi chóng vánh ở biên giới Romania là một bất ngờ ngay cả đối với những người khởi nghĩa. Ban đầu, ngày khởi sự được hoạch định là 26 tháng 8, nhưng trước tình hình khẩn cấp, không thể để lỡ thời cơ, thời gian khởi nghĩa được lùi lại vào ngày 23. Vào hôm đó, chỉ huy các sĩ quan tùy tùng Constantin Sănătescu đã thay mặt vua Mihai triệu tập Ion Antonescu tới hoàng cung nhằm báo cáo và thảo luận tình hình chiến sự ở mặt trận Xô-Đức. Một số ý kiến khác thì khẳng định chính Antonescu xin yết kiến nhà vua và dĩ nhiên Mihai I không từ chối cơ hội ngàn vàng như vậy[8][15]. Do đội quân du kích Rumani chưa chuẩn bị xong phương án đột nhập vào hoàng cung, nhiệm vụ bắt giữ Antonescu được giao cho đội vệ binh của nhà vua. Vào lúc 16 giờ 30 phút, Antonescu đến phòng chờ của cung vua gặp Mihai I và Sănătescu. Ông không hề biết rằng, ở căn phòng bên cạnh, các sĩ quan thân cận của vua là Aurel Aldea, Ion Mocsony-Stîrcea, Grigore Niculescu-Buzeşti, Mircea Ioanitsiu, Eminiu Ionescu và Anton Dumitrescu cùng đội cận vệ của nhà vua đã bí mật chờ sẵn, chỉ cần có động tĩnh gì là hành động ngay.

Không vòng vo, vua Mihai I yêu cầu Antonescu ký hiệp định đình chiến và thương lượng với Liên Xô. Antonescu từ chối, viện lý do cần thêm vài ngày để xem xét diễn biến chiến cục rồi với có thể quyết định được. Nhà vua hiểu rõ, Antonescu không đời nào chấp nhận ngưng chiến cũng như từ bỏ quyền lực của mình. Vì vậy, vào lúc 17 giờ 15 phút, Mihai I đi sang căn phòng bên cạnh và bàn bạc với những người đồng mưu về hành động bắt giữ Ion Antonescu. Sau đó nhà vua trở lại phòng chờ và yêu cầu Antonescu từ chức:

Kính thưa Nguyên soái, xét nguyện vọng của người dân của tôi, thể hiện bởi các đại diện của đa số - những lãnh tụ của khối Dân chủ - là nhanh chóng thoát ra khỏi cuộc chiến nhằm bảo vệ đất nước khỏi thảm họa - chúng tôi quyết định lật đổ Ngài trong ngày hôm nay.
— Vua Mihai I, [16][17]

Trước diễn biến này, Antonescu phản đối kịch liệt, nhưng nhà vua chỉ trả lời: "Nguyên soái đáng kính, cả hai chúng ta sẽ phải trả lời trước Thượng đế và lịch sử !"[18] Ngay lập tức, đội cận vệ chuẩn bị sẵn do Eminiu Ionescu chỉ huy đã xông vào phòng chờ, bắt giữ Ion Antonescu cùng với Mihai Antonescu (Bộ trưởng ngoại giao) và nhốt họ vào phòng an ninh trong cung điện. Đội cảnh vệ của Antonescu cũng bị tước vũ khí. Ngay buổi tối hôm đó, các bộ trưởng thân Đức trong chính phủ của Antonescu đều bị bắt. Manfred von Killinger, đại sứ Đức tại Bucharest chỉ biết về cuộc đảo chính đã diễn ra vào sáng hôm sau.[19] Sau khi xử lý xong chính phủ của Antonescu, vua Mihai I bổ nhiệm Constantin Sănătescu làm thủ tướng mới. Nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia và các nhân vật cấp cao trong chính phủ mới được giao cho đội đặc nhiệm của Đảng Cộng sản Rumani do Emil Bodnăraș chỉ huy.

Cùng lúc đó, theo đề nghị của những người cộng sản, vua Mihai I tuyên bố toàn dân tổng khởi nghĩa vũ trang chống lại quân phát xít Đức. Trong một thời gian ngắn, nhà vua, chính phủ mới và quân khởi nghĩa tập trung vào việc kiểm soát các cơ quan nhà nước, các hệ thống điện đài, điện tín, điện thoại ở thủ đô Bucharest. Vì vậy, hệ thống thông tin liên lạc của quân Đức tại Bucharest nhanh chóng bị gián đoạn. Lúc 23 giờ 30 phút đêm 23 tháng 8, vua Mihai I thông báo trên đài phát thanh trước toàn dân Rumani về việc chấm dứt chiến tranh với Liên Xô, về việc ký hòa ước với Anh, Hoa Kỳ và về việc thành lập chính phủ mới do Constantin Sănătescu đứng đầu. Ngày 25 tháng 8, phía Liên Xô nhận được thư chấp thuận về hiệp ước ngưng chiến từ phía Rumani. Sau khi đọc xong bài tuyên bố trên đài phát thanh, vua Mihai I rời Bucharest. Ông và thái hậu Elena được những người cộng sản đưa tới một nơi trú ẩn bí mật trên vùng núi gần Oltenia Craiova[18] và làm việc bình thường ở đó từ tối 24 tháng 8[20]. Sự vụ ở thủ đô Bucharest được giao lại cho thủ tướng Constantin Sănătescu và chính phủ mới của ông. Ngày 31 tháng 8, Ion Antonescu và các nhân vật cấp cao của chính quyền cũ được giao nộp cho Hồng quân Liên Xô. Phía Liên Xô áp giải họ bằng xe tải tới trại tù binh chiến tranh ở Bălţi và từ đây lại đưa về Moskva bằng tàu hỏa.

Nhận được tin về chính quyền mới ở Rumani tuyên bố đình chiến với Liên Xô, ngày 25 tháng 8, chính phủ Xô Viết ra một tuyên bố trên đài phát thanh khẳng định sẽ tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của hai nước Rumani và Liên Xô. Phía Liên Xô yêu cầu quân đội Rumani ngưng ngay các cuộc chiến chống lại quân đội Liên Xô trên sông Prut.

Liên Xô không có ý định chiếm giữ bất kỳ phần lãnh thổ nào của Romania, không có ý định thay đổi chế độ chính trị xã hội hiện nay ở Romania và không thi hành bất kỳ một biện pháp nào gây ảnh hưởng đến nền độc lập của Romania. Ngược lại, Chính phủ Liên Xô xét thấy cần phải khôi phục lại nền độc lập của Romania và giải phóng Romania khỏi quân chiếm đóng Đức Quốc xã.Hồng quân Liên Xô sẽ không tước vũ khí của quân đội Romania. Không những Hồng quân kêu gọi họ ngừng bắn mà còn giúp họ bảo toàn các vũ khí, trang bị để cùng với Hồng quân tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng chống lại bè lũ Hitler, giành độc lập cho đất nước mình và chống lại bọn chư hầu thân Đức ở Hungary để giải phóng vùng Transilvania.Hồng quân chỉ có thể ngừng các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Romania sau khi đã tiêu diệt được các đơn vị Đức Quốc xã, những kẻ đang áp bức và bóc lột người dân Romania. Sự giúp đỡ của quân đội Romania tại đây có thể tạo điều kiện để sớm chấm dứt chiến sự trên lãnh thổ Romania để Liên Xô và Romania sẽ sớm ký kết hiệp định đình chiến
— Thay mặt chính phủ Liên Xô: V. M. Molotov.[21]

Ngay từ đầu chiến dịch Iaşi-Chişinău, rất nhiều binh sĩ Rumani đã rã ngũ, đầu hàng không chiến đấu, hoặc gia nhập quân đội Liên Xô chống lại Đức. Tuy nhiên một số đơn vị Rumani không chấp nhận hòa ước với Liên Xô hoặc không công nhận chính quyền mới và vẫn tiếp tục chống cự. Mãi đến ngày 29 tháng 8, lực lượng quân đội Rumani trong Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina mới hoàn toàn bị đánh bại. Tổng số quân nhân Rumani bị bắt hoặc quy hàng lên tới 150.000-200.000 người.[22][23]

Khởi nghĩa vũ trang chống lại quân Đức

Người dân Bucharest tập trung bên các đường phố chờ đón Hồng quân

Không lâu trước đó, ngày 24 tháng 8, đại sứ Đức tại Bucharest Manfred von Killinger xin yết kiến Vua Mihai I. Tại hoàng cung, Vua Mihai I cho biết chính phủ của Ion Antonescu đã chấm dứt hoạt động và đang bị giam giữ. Nhà vua yêu cầu phía Đức Quốc xã rút hết quân đội khỏi đất nước Romania và tuyên bố phía Romania sẽ không gây trở ngại cho cuộc rút quân này. Câu trả lời của Killinger là cả nước Romania sẽ bị lính Đức dìm trong biển máu. Đến chiều, các tướng lĩnh Đức Quốc xã cũng xin yết kiến Vua Mihai I và hứa sẽ rút các lực lượng Đức khỏi Bucharest. Tuy nhiên, đêm 24 tháng 8, Adolf Hitler ra lệnh cho tướng Alfred Gerstenberg, chỉ huy các lực lượng Đức Quốc xã ở Bucharest phải dùng vũ lực để triệt hạ vua Mihai cùng những người khởi nghĩa. Cựu Phó thủ tướng của chính quyền Ion Antonescu và là thủ lĩnh phong trào "Binh đoàn Cận vệ Sắt" ("Mișcarea legionară"), Horia Sima, được dựng lên làm thủ tướng chính phủ bù nhìn thân Đức tại Berlin. Những hành động đó của Hitler không khác gì việc nước Đức Quốc xã tuyên chiến với Romania.[24]

Ngày 25 tháng 8, không quân Đức huy động hàng chục phi đội cất cánh từ căn cứ không quân Baneaşa đến ném bom bắn phá Bucharest. Nhiều công trình kiến trúc bao gồm Nhà hát kịch Quốc gia Bucharest và hoàng cung bị phá hoại nặng nề. Tuy nhiên, trước đó vua Mihai I thái hậu Elena đã được những người cộng sản Romania đưa tới một nơi trú ẩn an toàn và tiếp tục làm việc bình thường tại đó vào đêm 24 tháng 8.[20] Không lâu sau đó, đội máy bay ném bom Đức nhanh chóng bị không quân Đồng Minh bắn hạ.

Quân đội Liên Xô tiến vào Bucharest ngày 31 tháng 8 năm 1944.

Trước tình hình nghiêm trọng, ngày 25 tháng 8, nhà vua Mihai I đã đồng ý với đề nghị của những người cộng sản Romania phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại quân đội Đức Quốc xã, kêu gọi quân đội Romania hãy rút về bảo vệ thủ đô và đấu tranh chống nước Đức Quốc xã.[21] Lúc này, đại bộ phận quân đội Đức Quốc xã đang tập trung tại mặt trận Moldovia, chỉ để 11 nghìn quân tại vùng phụ cận của thủ đô Bucharest và 25 nghìn quân khác ở khu công nghiệp dầu lửa Ploieşti. Tướng Alfred Gerstenberg tuyên bố rằng ông ta chỉ cần vài khẩu đội pháo phòng không và chục khẩu súng máy là có thể dẹp tan được cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, quân khởi nghĩa đã chống cự với sức mạnh của hơn 10.000 người cùng với hai sư đoàn cảnh vệ Romania tại Bucharest đã buộc tướng Alfred Gerstenberg phải cầu xin viện binh từ Tập đoàn quân 8 (Đức). Ba sư đoàn Đức do tướng SS Horst Hoffmeyer chỉ huy được điều về Bucharest nhằm dập tắt cuộc đảo chính nhưng đã bị quân khởi nghĩa Romania đánh lui tại "Công viên Ái quốc". Các lực lượng Đức tăng viện cho cuộc tấn công Bucharest đều bị Hồng quân cắt đứt, bao vây và tiêu diệt nhanh chóng. Đêm 25 tháng 8, quân đội Liên Xô và quân đội Romania chiếm sân bay Otopeni.

Binh sĩ Liên Xô và binh sĩ Romania bắt tay nhau tại mặt trận. Từ ngày 31 tháng 8 năm 1944, họ đã cùng chung một chiến tuyến

Tại vựa dầu Ploieşti, từ ngày 24 tháng 8, các lực lượng du kích của Đảng Cộng sản Romania và công nhân dầu mỏ cũng đã đứng lên khởi nghĩa, chiến đấu kịch liệt với cụm quân Đức - Romania đông đến 25.000 người để giành giật một trong hai nguồn cung dầu mỏ quan trọng của Đế chế thứ ba. Ngày 27 tháng 8, Quân đoàn bộ binh 5 Romania do tướng Vasiliu Reşcanu chỉ huy đã quay súng bắn lại quân Đức và đến trợ giúp cho nghĩa quân Rumani. Tuy nhiên, các sư đoàn bộ binh 79, 376 và một bộ phận Sư đoàn xe tăng 20 (Đức) đã vây kín Ploieşti.[25]. Tình hình khẩn cấp buộc Phương diện quân Ukraina 2 (Liên Xô) phải sử dụng Quân đoàn xe tăng 23, Quân đoàn cơ giới cận vệ 5 và ba sư đoàn bộ binh của Tập đoàn quân 27 để mở hướng tấn công vào Ploieşti trước khi đánh chiếm Bucharest. Ngày 28 tháng 8, cánh quân xung kích Liên Xô bắt đầu tấn công các sư đoàn Đức xung quanh Ploieşti. Ngày 29 tháng 8, đến lượt Sư đoàn bộ binh 18 Romania quay súng chống lại quân Đức và hỗ trợ cho cuộc tấn công. Không thể chống lại cuộc đột kích của xe tăng Liên Xô cũng như các đòn phản kích của quân khởi nghĩa và Quân đoàn bộ binh 5 Romania từ trong thành phố đánh ra, ngày 30 tháng 8, tướng Johannes Frießner buộc phải rút quân khỏi vùng phụ cận Ploieşti và theo đường sắt chạy về Brashov. Khi Quân đoàn xe tăng 23 cơ động từ cao nguyên Bracha xuống Ploieşti thì khu công nghiệp dầu mỏ đã được giải phóng gần như nguyên vẹn. Trong ba ngày tiếp theo, các sư đoàn bộ binh 79 và 376 (Đức) đã bị Quân đoàn xe tăng 23 bám đuổi và đánh thiệt hại nặng suốt dọc đường từ Ploieşti đến Ofytul-Georgye.[26]

Trước tình hình mặt trận tan vỡ, còn sau lưng là quân dân Rumani đồng loạt khởi nghĩa, ngày 29 tháng 8, các lực lượng Đức Quốc xã buộc phải rút lui khỏi Bucharest. Ngày 31 tháng 8 quân đội Liên Xô tiến vào Bucharest trong sự tiếp đón nồng nhiệt của dân chúng thủ đô Rumani. Như vậy, từ ngày 31 tháng 8, Rumani chính thức trở thành một thành viên của phe Đồng Minh chống phát xít cũng như là một đồng minh của quân đội Liên Xô. Trong khi đó tàn quân Cụm Tập đoàn quân Nam Ukraina đang phải tháo chạy trong tình trạng hỗn loạn về biên giới Hungary, trên đường đi liên tục bị nghĩa quân cũng như các binh đoàn Rumani (lúc này đã chuyển sang gia nhập phe Đồng Minh) liên tục chặn đánh. Quân Rumani bắt được đến 5 vạn tù binh Đức và sau đó giao nộp số tù binh này cho Quân đội Liên Xô, trong đó có trung tướng Rainer Stahel, người đã chỉ huy quân đội Đức phòng thủ tại Vilnius hồi tháng 7 năm 1944.[27] Trong quá trình tháo chạy, quân Đức đã cướp bóc, tàn phá và gây nhiều tội ác trên các làng mạc, thành phố nơi họ chạy qua.

Diễn biến sau khởi nghĩa: đuổi quân Đức khỏi Rumani

Cuộc mít tinh lớn của Mặt trận Dân tộc dân chủ Romania do Đảng Cộng sản Romania lãnh đạo tổ chức tại Sân vận động Cộng hòa, thủ đô Bucharest ngày 8 tháng 10 năm 1944

Theo điều khoản của bản hòa ước được Liên Xô đề ra trước đó vào ngày 12 tháng 4 năm 1944[2] - mà chính phủ mới của Rumani vừa chấp thuận - Rumani sẽ cho phép Liên Xô đóng quân và sử dụng các cơ sỏ vật chất tại lãnh thổ của mình để tiến hành chống Đức Quốc xã và trả lại vùng Bắc Bukovina, Bessarabia và Odessa cho Liên Xô; bù lại Liên Xô sẽ giúp Rumani đòi lại vùng Transilvania và các lãnh thổ khác mà Rumani bị đoạt mất do quyết định Viên năm 1940. Như vậy, cuộc tấn công tiếp đó của quân đội Liên Xô vào Transilvania và Hungary cũng là cuộc chiến của Rumani nhằm giành lại vùng Transilvania bị mất của mình.

Sau khi giải phóng Bucharest và Ploieşti, Phương diện quân Ukraina 2 quay hướng tấn công sang khu vực biên giới Rumani-Hungary và hành tiến tới Transilvania, phối hợp với Phương diện quân Ukraina 4 đang tiến hành Chiến dịch Đông Carpath. Trong đội hình của họ giờ đây có thêm các Tập đoàn quân Rumani số 4, số 1 được thành lập từ các đơn vị quân đội Rumani vừa gia nhập quân đội Liên Xô.[2] Cuộc tấn công ở vùng Transilvania diễn ra rất khó khăn vì, nhờ được tăng viện, quân đội Đức-Hungary đã có trong tay 27 sư đoàn tại khu vực này (trong đó có 6 sư đoàn thiết giáp và cơ giới) và đã hình thành một phòng tuyến cứng rắn tại vùng biên giới Hungary. Vì vậy, chiến sự trong khu vực đã diễn ra rất ác liệt. Tuy nhiên, ở phía Nam Transilvania, cánh trái của Phương diện quân Ukraina 2 vào giữa tháng 9 đã đột phá vào hậu cứ của một nhóm quân Đức-Hungary đang trấn giữ các đường đèo băng qua dãy Carpath, buộc quân Đức phải tháo lui. Ngày 24 tháng 9, quân đội Liên Xô và Rumani đã tiến sát đến biên giới Rumani hồi trước năm 1940 tại gần Mako. Như vậy, đến lúc này, chính phủ Rumani đã nắm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ của họ, kể cả vùng Transilvania bị cắt cho Hungary hồi quyết định Viên lần thứ bai. Phần cuối cùng của lãnh thổ Rumani được giải phóng sau Chiến dịch Debrecen vào ngày 7-15 tháng 10 năm 1944[2].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khởi nghĩa tháng 8 năm 1944 tại Romania http://google.com/search?q=cache:QseMeuH0y10J:www.... http://www.questia.com/read/82359442 http://bse.sci-lib.com/article023286.html http://www.cvce.eu/obj/european_navigator-en-d95dc... http://files.osa.ceu.hu/holdings/300/8/3/text/53-1... http://ava.md/society/015757-s-dnem-velikoi-pobedi... http://old.ournet.md/~moldhistory/book1_4.html http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico...